Hỏi đáp
Tìm hiểu rõ hơn về phẫu thuật nâng ngực
14/09/2024 16:49Phẫu thuật nâng ngực là gì?
Phẫu thuật nâng ngực là phẫu thuật nhằm làm gia tăng thể tích của vú bằng cách sử dụng các phương tiện tổng hợp (các túi nước biển hoặc túi gel).
Tại sao phải tiến hành nâng ngực?
Vú là biểu tượng của nữ tính, khi tuyến vú không phát triển hoặc teo nhỏ sau sinh, phụ nữ sẽ có thể mất tự tin trong giao tiếp cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Phẫu thuật nâng ngực sẽ giúp chị em có được vòng 1 như mong muốn và sẽ tự tin hơn trong cuộc sống.
Phẫu thuật nâng ngực dành cho ai?
Phẫu thuật nâng ngực dành cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có thể tích tuyến vú phát triển không tương xứng với thể trạng: hoặc là do sự phát triển không đủ của tuyến vú trong giai đoạn dậy thì, hoặc xuất hiện thứ phát do sự mất tổ chức tuyến vú sau khi có thai, khi gầy, do rối loạn hóc môn…
Túi độn ngực (túi để nâng ngực) bản chất là gì?
Các loại túi độn ngực đều được cấu tạo bởi vỏ bằng silicone dạng nhám hoặc dạng trơn, rất chắc và rất đàn hồi. Nội dụng chứa đựng bên trong túi có thể khác nhau như: nước muối sinh lý (nước biển), silicone dạng gel có độ kết dính rất cao (không thâm nhập vào mô cơ thể như silicon dạng lỏng đã cấm sử dụng), hoặc hydrogel. Phần lớn túi độn được sử dụng hiện tại trên thế giới là túi độn được làm đầy sẵn bằng silicone dạng gel. Những túi độn này đã được sử dụng hơn 40 năm, đã cho thấy sự an toàn và sự thích hợp tuyệt vời với phẫu thuật nâng ngực vì mật độ gần giống với vú bình thường. Gel silicone chứa đựng bên trong túi có độ kết dính cao, mật độ mềm, không lan vào tổ chức xung quanh trong trường hợp vỡ túi.
Túi độn ngực có hình dạng như thế nào?
Hiện nay có 2 dạng túi độn ngực: hình tròn hoặc hình “giọt nước”. Tuỳ theo thể tích nhu mô vú còn lại của bạn, thể tích túi độn ngực cần dùng để lựa chọn túi dạng tròn hoặc túi hình “giọt nước”. Đối với nhựng phụ nữ có ngực phẳng thì sử dụng túi hình “giọt nước”. Đối với phụ nữ thể tích nhu mô vú còn lại tương đối thì chỉ cần dùng túi dạng tròn. Cần lưu ý khi dùng túi thể tích dưới 240 ml thì kết quả mang lại giữa 2 loại hình dạng túi độn hầu như rất ít khác biệt.
Phẫu thuật nâng ngực có thể thực hiện bởi ai và ở đâu?
Để đảm bảo sự an toàn và đạt được kết quả tốt, phẫu thuật nâng ngực phải được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, và phải được tiến hành ở các Bệnh viện được phép phẫu thuật Thẩm mỹ.
Những việc cần làm trước phẫu thuật?
Bạn phải được khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, là người sẽ trực tiếp phẫu thuật cho bạn để đánh giá thể trạng, hình dạng của lồng ngực và của vú, lượng mỡ và mô tuyến vú hiện tại, tình trạng da, hệ thống cơ…
Bạn sẽ được tiến hành những xét nghiệm thường qui trước mổ và sẽ được khám bởi bác sĩ gây mê. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể được làm thêm các xét nghiệm hình ảnh học tuyến vú như nhũ ảnh, siêu âm. Bạn không dùng các thuốc chứa Aspirin trước phẫu thuật 10 ngày, nhịn ăn 6 giờ trước phẫu thuật.
Thời gian nằm viện trong bao lâu?
Thông thường bạn cần nằm viện trong vòng 1- 2 ngày.
Thời gian phẫu thuật?
Tuỳ theo phương pháp mà thời gian phẫu thuật từ 1- 2 giờ.
Loại vô cảm được áp dụng?
Thông thường bạn sẽ được gây mê toàn thân. Trong một số rất hiếm trường hợp có thể gây tê tại chổ kết hợp với tiền mê.
Phẫu thuật được tiến hành như thể nào?
Mỗi phẫu thuật viên sẽ lựa chọn mỗi phương pháp thích hợp với mình và phù hợp với từng trường hợp để đạt được những kết quả tốt nhất. Có thể phẫu thuật thông thường hoặc phẫu thuật nội soi.
Tuy nhiên, các phương pháp đều dựa trên những nguyên tắc chung như sau:
Đường mổ: Có nhiều đường mổ như đường ngang quầng vú, đường dưới quầng vú, đường nách và đường dưới vú.
Vị trí túi độn: Túi độn có thể đặt trước cơ ngực sau tuyến vú hoặc sau cơ ngực. Việc lựa chọn ví trí túi độn tuỳ thuộc vào độ tập trung, thể tích mô mỡ và tuyến vú còn lại, cũng như mong muốn của bệnh nhân sau khi đã được phẫu thuật viên giải thích về ưu điểm và nhược điểm của mỗi vị trí
Các can thiệp bổ sung: Trong trường hợp có tình trang sa xệ của vú kèm theo, ta có thể xem xét khả năng cắt giảm một phần da của vú, cố định lại vú. Việc cắt giảm da này có thể đem đến vết sẹo quanh quầng vú hoặc sẹo dọc.
Dẫn lưu và băng vết mổ:
Tuỳ theo thói quen của phẫu thuật viên mà có thể đặt dẫn lưu hoặc không. Thông thường các trường hợp được đặt dẫn lưu kín và rút trong vòng 24 giờ.
Chăm sóc sau mổ như thế nào?
Sau mổ bạn sẽ được sử dụng thuốc giảm đau trong những ngày đầu 3-7 ngày tuỳ thuộc vào thể tích của túi độn, vị trí túi độn và khả năng dung nạp của bạn.
Trong vài ngày đầu có thể có sự phù nề nhẹ, bầm tím ở vết mổ. Nhưng những dấu hiệu này sẽ biến mất sau vài ngày.
Bạn sẽ được thay băng sau ngày đầu bằng băng nhẹ. Áo ngực được khuyến cáo sử dụng ngày và đêm trong 3 tuần đầu.
Trong trường hợp dùng chỉ không tiêu, chỉ sẽ được cắt sau 1 tuần.
Bạn sẽ trở lại sinh hoạt bình thường ngày hôm sau, và có thể làm việc trở lại sau 2- 5 ngày tuỳ thuộc vào tính chất của công việc.
Bạn được khuyến cáo hoạt động thể thao trở lại sau 2 tháng.
Kết quả được đánh giá như thế nào?
Kết quả cuối cùng sẽ được đánh giá sau 2-3 tháng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vú lấy lại được độ mềm và túi độn đã được ổn định.
Phẫu thuật sẽ mang đến sự cải thiện về thể tích và hình dạng của ngực, đem lại sự cải thiện về tâm sinh lý với vẻ nữ tính của người phụ nữ.
Những kết quả không mong muốn có thể gặp phải như sự không cân xứng, ít tự nhiên, độ mềm và độ di động không đủ, có thể sờ chạm.
Phẫu thuật nâng ngực có ảnh hưởng đến việc có thai và cho con bú hay không?
Sau khi nâng ngực bằng túi độn, người phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường mà không có sự nguy hiểm nào do túi độn gây ra, hoặc cho bà mẹ hoặc cho em bé. Nhưng việc mang thai được khuyến cáo nên chờ 6 tháng sau khi nâng ngực bằng túi độn. Sau khi sinh người mẹ vẫn có thể cho con bú trong phần lớn các trường hợp tuỳ theo vị trí đường mổ và không có sự nguy hiểm do túi độn gây ra.
Túi độn ngực có liên quan đến ung thư vú không?
Cho đến thời điểm hiện tại, người ta có thể khẳng định rằng túi độn ngực, bao gồm cả túi độn ngực silicone dạng gel, không gây ra ung thư vú và không làm gia tăng nguy cơ xuất hiện ung thư vú. Việc theo dõi và phát hiện ung thư vú vẫn có thể thực hiện, tuy vậy bệnh nhân cần thông tin cho thầy thuốc biết mình đã được nâng ngực để được áp dụng phương pháp khảo sát vú thích hợp.
Túi độn có tuổi thọ trong bao lâu?
Dù nhiều bệnh nhân giữ túi độn ngực trong rất nhiều năm thậm chí suốt đời mà không có sự thay đổi lớn nhưng cũng không thể xem việc đặt túi độn ngực với ý nghĩa là tồn tại suốt đời.
Những túi độn ngực có tuổi thọ tuỳ thuộc vào độ bền và hiện tương bào mòn của vỏ túi. Đối với các loại túi độn hiện nay, nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ mà độ bên của vỏ túi được nâng cao nên thông thường túi được thay khi có yêu cầu cải thiện thẩm mỹ của bệnh nhân như thay đổi thể tích, hình dạng, sửa chửa sự sa xệ của vú…
Các biến chứng nào có thể gặp phải?
Trong thực tế, phần lớn những trường hợp phẫu thuật nâng ngực thực hiện đúng nguyên tắc sẽ suôn sẽ mà không gặp phải vấn đề gì, diễn biến sau phẫu thuật đơn giản và bệnh nhân rất hài lòng với kết quả. Tuy vậy, cũng như tất cả các phẫu thuật, phẫu thuật nâng ngực cũng có thể gặp một số biến chứng liên quan đến gây mê và các biến chứng liên quan đến phẫu thuật hoặc túi độn như: Tụ máu quanh túi độn, tràn dịch huyết thanh, nhiễm trùng (rất hiếm gặp), sẹo xấu, túi độn hình thành nên những “nếp gấp” hoặc “gợn sóng”, vỏ kén hay bao xơ (coques), vỡ túi (rất hiếm gặp), vị trí túi độn không tốt, xoay túi độn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng liên quan đến phẫu thuật, bệnh nhân nên lựa chọn Phẫu thuật viên Tạo hình chất lượng được đào tạo chuyên khoa và có năng lực. Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra trong gây mê, bệnh nhân cần phải được khám tiền mê kỹ bởi Bác sĩ gây mê hồi sức có năng lực và hành nghề ở cơ sở gây mê hồi sức phẫu thuật.
Thạc Sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Văn Phùng
TRUNG TÂM THẨM MỸ - TẠO HÌNH - NHA KHOA THẾ GIỚI ĐẸP
0902 727 138 - 0939 691 999 - 0938 527 888
Fanpage: www.facebook.com/noisacdeptaisinh/
Tài liệu tham khảo
1. Chavon J. P (2005): Hypotrophie et ptôse mammaire, Encyclopédie Médico-Chirurgicale 45-661-H.
2. Jatoi I, Kaufmann M, Petit J. Y (2006): Atlas of Breast Surgery, Springer.
3. Mang W. M (2005): Manual of Aesthetic Surgery, Springer.
4. Petoin S (2004): Prothèses mammaires d'augmentation, Encyclopédie Médico-Chirurgicale 45-663.
5. Shiffman M. A (2009): Breast Augmentation - Principles and Practice, Springer.
6. Société Française de Chirurgie Plastique Reconstructrice et Esthétique : protheses mammaires et hypoplasie des seins.