Hỏi đáp

Tìm hiểu về phẫu thuật nâng mũi

30/10/2024 08:05

Mũi là một bộ phận có vai trò quan trọng trong việc tạo nên dáng vẻ của khuôn mặt, dáng mũi chuẩn sẽ tạo nên sự cân đối, hài hoà và vẻ thanh thoát của khuôn mặt. Tuỳ theo chủng tộc mà hình dáng mũi đặc trưng khác nhau và cũng tuỳ theo từng con người từng chủng tộc mà quan niệm về mũi đẹp cũng khác nhau.

Mục tiêu của phẫu thuật nâng mũi 

Phẫu thuật nhằm tạo ra hình dáng mũi phù hợp với khuôn mặt của bạn mà vẫn giữ được nét cân đối rất tự nhiên.

Đối tượng của phẫu thuật nâng mũi 

Phẫu thuật nâng mũi dành cho những người từ 18 tuổi trở lên có sống mũi thấp không phù hợp với khuôn mặt.

Vật liệu để nâng sống mũi

Có thể chia vật liệu để nâng mũi bằng phẫu thuật thành 3 nhóm:

  • Các vật liệu tự thân: Bao gồm sụn (sụn vành tai, sụn sườn, sụn vách ngăn mũi), xương (Bản ngoài xương sọ, xương mào chậu), cân, bì. Ưu điểm của vật liệu tự thân là độ thích ứng cao, không có nguy cơ dị ứng với vật liệu, tạo ra sự kết hợp khá vững chắc ở nơi tiếp nhận vật liêu. Tuy vậy nhược điểm của việc sử dụng vật liệu tự thân trong nâng mũi là khó đạt được hình dạng của sống mũi như mong muốn, phải cần thêm vết mổ ở một vị trí khác trên cơ thể, thời gian mổ dài.
  • Các vật liệu đồng loại đã qua xử lý: Cân căng mạc đùi (tutoplast processed fascia lata: TPFL), sụn sườn, alloderm…
  • Các vật liệu tổng hợp: Bao gồm silicone dạng đúc khuôn (silicone rubber), polytrafluoroethylene e-PTFE (Gore-Tex), xốp polyethylene tỉ trọng cao PHDPE (MedPor), composite e-PTFE/silicone. Trong đó silicone đúc thành khuôn chữ L hay được dùng để nâng mũi ở các nước Châu Á và đem  đến kết quả tốt qua nhiều nghiên cứu ở nhiều trung tâm. Ưu điểm của vật liệu tổng hợp là dễ sử dụng, không có thêm vết mổ ở trị trí khác, dễ tạo được dáng mũi như mong muốn, thời gian phẫu thuật ngắn. Nhược điểm của vật liệu tổng hợp là một số người có cơ địa không dung nạp vật liệu tổng hợp, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, sự kết hợp ít vững chắc hơn, chi phí có thể cao hơn.

Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có thể sử dụng các vật liệu đơn thuần hoặc phối hợp với nhau nhằm đạt kết quả cao nhất và an toàn nhất. 

Mức độ an toàn của silicone dạng đúc khuôn (silicone rubber) trong phẫu thuật nâng mũi 

Khác với silicone dạng lỏng đã bị cấm sử dụng trên người, silicone dạng đúc khuôn (silicone rubber) đã được cho phép sử dụng như mảnh ghép tổng hợp trên cơ thể người từ nhiều năm qua và cho thấy hiệu quả cũng như sự an toàn cao.  

Chuẩn bị trước phẫu thuật 

Bạn phải được khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ để đánh giá độ thấp của sống mũi, hình dạng đầu mũi , độ rộng của chân mũi và cánh mũi, độ dày mỏng của da mũi và tình trạng viêm nhiễm tại chỗ, sự thông thoáng của mũi…và xét nghiệm kiểm tra tình trạng sức khoẻ tổng quát trước phẫu thuật.

Thời gian phẫu thuật 

Tuỳ theo phương pháp và các can thiệp kèm theo mà thời gian phẫu thuật khoảng từ 30 – 180 phút.

Phương pháp vô cảm

Tuỳ theo phương pháp và mức độ can thiệp của phẫu thuật mà có thể lựa chọn gây tê hoặc gây mê toàn thân. Đối với trường hợp nâng mũi đơn thuần hoặc nâng mũi bọc sụn thông thường chỉ cần gây tê. Đối với nâng mũi cấu trúc, sửa lại mũi, đuucj xương mũi thì thường gây mê. Nói chung cần có sự bàn bạc giữa Bác sĩ phẫu thuật và khách hàng để lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp.

Thực hiện phẫu thuật 

Đường mổ: Tuỳ theo từng bệnh nhân, phương pháp phẫu thuật và thói quen của phẫu thuật viên mà có thể sử dụng đường mổ trong hốc mũi (tạo hình mũi “kín”) hoặc đường mổ vòng ra phía trước trụ mũi (tạo hình mũi “mở”).

Tuỳ theo từng trường hợp mà có thể thực hiện các can thiệp khác nhau: 

  • Nâng sống mũi: Bằng vật liệu tự thân, đồng loại hoặc tổng hợp.
  • Thu hẹp xương mũi: Khi xương mũi rộng
  • Chỉnh mũi vẹo: Cắt chỉnh xương, sụn mũi
  • Chỉnh mũi hếch ngắn: Ghép sụn vách ngăn, sụn vành tai
  • Chỉnh mũi gồ: Cắt, bào xương sụn gồ
  • Chỉnh mũi khoằm (đầu mũi sa xuống): Cắt giảm sụn vách ngăn, cánh mũi, thu ngắn màng sụn vách ngăn, khâu đính trụ trong sụn cánh mũi vào đuôi sụn vách ngăn.
  • Thu nhỏ đầu mũi: Cắt giảm mô dưới da, sụn cánh mũi
  • Chỉnh cánh mũi, lổ mũi

Vết mổ sẽ được khâu bằng chỉ tiêu nhanh hoặc không tiêu. 

Chăm sóc sau phẫu thuật 

Đối với các trường hợp gây tê không đòi hỏi phải nhập viện, bạn có thể về nhà sau phẫu thuật 30 – 60 phút. Đối với các trường hợp gây mê thì cần nhập viện và về nhà sau phẫu thuật 6-10 giờ.

Điều trị sau phẫu thuật bao gồm kháng sinh, chống viêm và giảm đau trong vòng 7 ngày. Nằm kê cao đầu trong tuần đầu tiên sau mổ.

Cắt chỉ sau 7 ngày (nếu sử dụng chỉ không tiêu).

Trong vòng 4 tuần đầu sau mổ nên tránh các va chạm vào sống mũi. Ngoài ra tuỳ theo thói quen của phẫu thuật viên và mức độ vững chắc của sống mũi mà có thể cần băng nẹp cố định sống mũi sau phẫu thuật hoặc không.

Diễn biến sau phẫu thuật 

Diễn biến sau phẫu thuật thường đơn giản, có thể đau nhẹ và sưng ở mũi kéo dài 5 – 7 ngày. Ngoài ra có thể có vết thâm ở quanh mũi và gốc mũi nhưng sẽ biến mất sau vài ngày và cũng dễ dàng che giấu bằng trang điểm.

Kết quả 

Kết quả được đánh giá sau 8 - 10 tuần. Mũi đẹp sẽ có hình dạng thon đều, với nét cong tự nhiên phù hợp với khuôn mặt.

Những nguy cơ và biến chứng

Tất cả mọi phẫu thuật đều chứa đựng những nguy cơ và có khả năng có những biến chứng do gây tê, gây mê và do phẫu thuật như: dị ứng thuốc, dị ứng vật liệu nhân tạo, tụ máu, nhiễm trùng. Ngoài ra có thể gặp một số biến chứng như: sống mũi lệch, sống mũi cao quá mức, đỏ da đầu mũi… Nói chung các biến chứng này rất hiếm gặp.

 

Thạc Sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Văn Phùng
TRUNG TÂM THẨM MỸ - TẠO HÌNH - NHA KHOA THẾ GIỚI ĐẸP
0902 727 138 - 0939 691 999 - 0938 527 888
Fanpage: www.facebook.com/noisacdeptaisinh/

Tài liệu tham khảo

1.    Deffrennes D, Horay P (1998): Rhinoplastie esthétique et réparatrice, Encyclopédie Médico-Chirurgicale 46-125. 
2.    Dessapt B (1998) : La chirurgie esthétique, Simep. 
3.    Friedberg B. L (2007): Anesthesia in Cosmetic Surgery, Cambridge University Press. 
4.    Gola G (2005) : Chirurgie esthétique et fonctionnelle de la face, Springer – Verlag France
5.    Grabb W. C, Smith J. W et al (2007): Grabb and Smith’s plastic surgery, Lippincott Williams Wilkins. 
6.    Greer S. E, Benhaim P et al (2004): Handbook of Plastic_Surgery, Marcel Dekker.
7.    Hirsch R. J, Cohen J. L, Sadick N (2009): Aesthetic Rejuvenation - A Regional Approach, Mc Graw Hill.
8.    McCurdy J. A, Lam S. M (2005): Cosmetic surgery of the Asian face, Thieme.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Xin vui lòng điền đầy đủ thông tin chính xác để chúng tôi có thể liên lạc được với quý khách sớm nhất có thể. Lưu ý hãy điền thông tin lịch hẹn mong muốn của quý khách.