Bài viết
Tái tạo Vú sau Ung thư Vú, Sau Bỏng, Chấn thương
07/12/2015 13:04Khái niệm phẫu thuật tái tạo vú
Tái tạo vú là phẫu thuật nhằm phục hồi lại hình dạng vú bình thường, phục hồi lại biểu tượng nữ tính cho người đã mổ cắt ung thư vú hay bị mất tổ chức của vú do di chứng của bỏng, chấn thương. Tái tạo vú giúp người bệnh xoá được mặc cảm, có sự tự tin để hoà nhập với cụôc sống bình thường và đảm bảo được chất lượng của cuộc sống.
Việc tái tạo vú không làm gia tăng tỉ lệ tái phát, cũng như không làm kéo dài thời gian điều trị hỗ trợ trong ung thư vú. Đây là phẫu thuật lớn, có nhiều giai đoạn nên cần sự hiểu biết và sự hợp tác tốt của bệnh nhân.
Đối tượng của tái tạo vú
Những phụ nữ đã phẫu thuật điều trị ung thư vú, mất tổ chức ở vú do di chứng bỏng hoặc các nguyên nhân khác đều có thể được tái tạo vú khi tình trạng sức khoẻ cho phép phẫu thuật.
Thời điểm tái tạo vú
Thời điểm thuận lợi để thực hiện việc tái tạo vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, điều trị hổ trợ sau cắt bỏ u vú…
Tuỳ từng trường hợp mà tái tạo vú được thực hiện ngay sau khi cắt bỏ vú gọi là tái tạo vú tức thì hoặc sau khi cắt bỏ vú khoảng 6 tháng đến 1 năm gọi là tái tạo vú trì hoãn (sau 6 tháng nếu hoá trị đơn thuần, sau 1 năm nếu có xạ trị).
Địa điểm và người thực hiện việc tái tạo vú
Tái tạo vú phải được thực hiện bởi những Phẫu thuật viên đã được đào tạo chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình – Tái tạo và ở Bệnh viện có khả năng thực hiện được các phẫu thuật lớn.
Mục tiêu của tái tạo vú
Tái tạo vú có 3 mục tiêu cần đạt được:
- Tái tạo thể tích vú
- Làm cân xứng 2 vú
- Tái tạo quầng vú và núm vú
Các phương pháp tái tạo vú
Có thể chia các phương pháp tái tạo vú ra thành 3 nhóm:
Tái tạo vú bằng vật liệu tổng hợp: Tái tạo vú bằng các loại túi độn nước muối sinh lý hoặc túi silicon dạng gel. Túi độn ngực có thể được đặt ngay dưới phần mô mềm còn lại sau cắt bỏ vú hoặc sau khi đã đặt túi giãn da (Hình 1).
Hình 1: Tái tạo vú bằng túi độn sau khi đặt túi giãn da
Tái tạo vú bằng vật liệu tự thân: Vú được tái tạo bằng chính một phần mô mềm của bệnh nhân. Có nhiều kỹ thuât khác nhau đã được thực hiện để tái tạo vú bằng chính 1 phần tổ chức trên cơ thể của bệnh nhân:
- Tái tạo vú bằng cấy mỡ tự thân (Lipofilling).
- Tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng: Vú được tái tạo bằng cách xoay vạt da - cơ lưng rộng cùng bên (hình 2).
Hình 2: Tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng
- Tái tạo vú bằng vạt da – cơ thẳng bụng: Vú được tái tạo bằng vạt có cơ thẳng bụng và phần da thừa dưới rốn, có nối mạch vi phẫu hoặc không.
- Tái tạo vú bằng vạt da bụng có nối mạch vi phẫu (hình 3).
Hình 3: Tái tạo vú bằng vạt da ngang bụng
- Tái tạo vú bằng vạt da cơ mông (hình 4).
Hình 4: Tái tạo vú bằng vạt da cơ mông
- Tái tạo vú bằng vạt vú ngoài đối bên.
- Tái tạo vú bằng vật liệu tự thân kết hợp với vật liệu tổng hợp (hình 5).
Hình 5: Tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng kết hợp với đặt túi giãn da và túi độn
Lựa chọn phương pháp tái tạo vú
Trong trường hợp da tại chổ có chất lượng tốt, việc chọn lựa phương pháp phụ thuộc trước hết vào vú còn lại:
Khi vú còn lại không quá lớn và quá xệ thì túi độn ngực là phương pháp thường được chọn lựa:
- Đặt túi độn ngực đơn thuần khi da có độ đàn hồi tốt và mô tại chổ còn lại đảm bảo cho việc che phủ túi độn.
- Đặt túi độn ngực sau khi đặt túi giãn da khi mô còn lại đảm bảo nhưng da có độ đàn hồi không tốt.
- Dùng vạt da cơ lưng rộng kết hợp với đặt túi độn ngực khi mô còn lại không đảm bảo.
- Dùng vạt da cơ lưng rộng hoặc vạt cơ lưng rộng đơn thuần, đặt túi giãn da, đặt túi độn ngực khi mô còn lại không đảm bảo và da có độ đàn hồi không tốt.
Khi vú còn lại quá nhỏ thì việc tái tạo vú bằng túi độn ngực và đặt túi độn ngực cho vú bên còn lại cần được đặt ra.
Khi vú còn lại lớn và rộng, và/hoặc có sự sa xệ nhiều thì tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng là một sự lựa chọn tốt kết hợp với cắt giảm và cố định lại vú đối bên.
Khi vú còn lại chỉ sa xệ, tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng + túi giãn da + túi độn ngực và cố định lại vú đối bên.
Trong trường hợp da còn lại có chất lượng xấu (thường sau xạ trị), vạt da cơ thẳng bụng hoặc vạt da bụng là phương pháp được chon lựa. Trong trường hợp không thể dùng vạt da cơ thẳng bụng hoặc vạt da bụng (bệnh nhân không thừa da và mỡ thành bụng) thì tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng kết hợp với đặt túi độn ngực.
Làm cân xứng vú 2 bên
Thì tiếp theo sau khi tái tạo thể tích vú đó là làm cân xứng 2 vú. Tuỳ vào thể tích và mức độ sa xệ của vú còn lai để lựa chọn phương pháp thích hợp. Có thể là: cắt giảm vú đối bên, cố định lại vú đối bên hoặc đặt túi độn ngực vú đối bên hoặc kết hợp đặt túi độn ngực và cố định lại vú.
Tái tạo quầng vú và núm vú
Việc tái tạo quầng vú và núm vú được thực hiện khi vú bên tái tạo đã ổn định về thể tích cũng như vị trí, thông thường được thực hiện sau tái tạo thể tích vú khoảng 3 tháng.
- Tái tạo quầng vú: Có nhiều phương pháp tái tạo quầng vú: hoặc phun xăm hoặc bằng ghép da từ rãnh bẹn bìu.
- Tái tạo núm vú: Dùng 1 phần núm vú đối bên, hoặc tạo hình bằng vạt da tại chổ.
Lộ trình tái tạo vú
Tuỳ vào việc chọn lựa phương pháp mà việc tái tạo vú có các lộ trình như sau:
- Đặt túi độn ngực + làm cân xứng 2 vú và tái tạo quầng vú, núm vú.
- Đặt túi giãn da + đặt túi độn ngực và/+ làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
- Vạt da cơ lưng rộng, đặt túi độn ngực + làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
- Vạt da cơ hoặc vạt cơ lưng rộng + đặt túi giãn da + đặt túi độn ngực và/+ làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
- Vạt da cơ lưng rộng + làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
- Vạt da cơ thẳng bụng hoặc vạt da bụng + làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
- Vạt da cơ thẳng bụng hoặc vạt da bụng + làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
Những việc cần làm trước phẫu thuật
Bệnh nhân phải được khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình – Tái tạo, là người sẽ trực tiếp phẫu thuật để đánh giá thể trạng, hình dạng của lồng ngực và của vú, sẹo mổ cũ, chất lượng da và mô mềm còn lại…
Bệnh nhân sẽ được tiến hành những xét nghiệm thường qui trước mổ và sẽ được khám bởi bác sĩ gây mê. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể được làm thêm các xét nghiệm hình ảnh học tuyến vú như nhũ ảnh, siêu âm, xét nghiệm theo dõi ung thư vú. Bệnh nhân không dùng các thuốc chứa Aspirin trước phẫu thuật 10 ngày, nhịn ăn 6 giờ trước phẫu thuật.
Thời gian nằm viện trong bao lâu
Tuỳ theo phương pháp phẫu thuật mà bạn cần nằm viện từ 2 – 7 ngày.
Thời gian phẫu thuật
Tuỳ theo phương pháp mà thời gian phẫu thuật từ 1- 6 giờ.
Loại gây mê được áp dụng
Bệnh nhân sẽ đươc gây mê toàn thân.
Thạc Sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Văn Phùng
TRUNG TÂM THẨM MỸ - TẠO HÌNH - NHA KHOA THẾ GIỚI ĐẸP
0902 727 138 - 0939 691 999 - 0938 527 888
Fanpage: www.facebook.com/noisacdeptaisinh/
Tài liệu tham khảo
1. Bricout N (2005): “Reconstruction mammaire différée par lambeau de grand dorsal”, Techniques chirurgicales – Gynécologie, Elsevier Masson 41-976.
2. Chavon J.P, Fabre G (2002): “Reconstruction mammaire prothétique avec expansion préalable prolongée”, Techniques chirurgicales - Chirurgie plastique reconstructrice et esthétique, Elsevier Masson 45-665-B.
3. Disa J.J (2007): “Breast reconstruction: Prosthetic technique”, Grabb Smith’s plastic surgery, Lippincott Williams & Wilkins, p.625 – 633.
4. Dixon J. M et all (2000): “Breast Cancer: Diagnosis and Management”, Elsevier.
5. Duquennoy-Martinot V, Patenôtre P (2007): “Reconstruction mammaire par lambeau glutéal inférieur libre”, Techniques chirurgicales - Chirurgie plastique reconstructrice et esthétique, Elsevier Masson 45-665-L.
6. Grant W.C (2007): “Breast cancer for plastic surgeron”, GrabbSmith’s plastic surgery, Lippincott Williams & Wilkins, p.621 – 624.
7. Jatoi I, Kaufmann M, Petit J. Y (2006): “Atlas of Breast Surgery”, Springer.
8. Kroll S. S (2000): “Breast Reconstruction with Autologous Tissue Art and Artistry”, Springer.
9. Lepage C, Paraskevas A, Faramarz K, Lantieri L (2006): “Reconstruction mammaire par lambeau libre DIEP (deep inferior epigastric perforator)”, Techniques chirurgicales - Chirurgie plastique reconstructrice et esthétique, Elsevier Masson 45-665-G.
10. Masson J, Staub G, Binder J.B, Martinaud C, Couturaud B, Revol M, Servant J.M (2007): “Reconstruction mammaire. Technique et indication”, Techniques chirurgicales - Chirurgie plastique reconstructrice et esthétique, Elsevier Masson 45-665.
11. Pasqualini J. R (2008): “Breast cancer: prognosis, treatment, and prevention”, Informa Healthcare USA, Inc.
12. Rainsbury D, Straker V (2008): “Breast Reconstruction – Your Choice”, Class Publishing, Barb House, Barb Mews,