Bài viết
Tai nhỏ
07/12/2015 11:23TAI NHỎ (KHÔNG CÓ TOÀN BỘ HOẶC 1 PHẦN VÀNH TAI) - DỊ TẬT TAI NHỎ
Dị tật tai nhỏ là gì?
Dị tật tai nhỏ là sự khiếm khuyết vành tai, cấu trúc ống tai ngoài và tai giữa ảnh hưởng đến chức năng thính giác và thẩm mỹ của bệnh nhân. Dị tật này ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của bệnh nhân, tạo nên một sang chấn tâm sinh lý trong quá trình phát triển của bệnh nhân, thường làm cho bệnh nhân cảm thấy tự ti và mặc cảm trong quá trình giao tiếp với xã hội.
Hình 1: Dị tật tai nhỏ
Tỉ lệ mắc dị tật tai nhỏ?
Dị tật tai nhỏ có tỉ lệ 1/6000 - 12000 trẻ, ở nam nhiều hơn nữ, thường bị một bên và bên phải thường gặp hơn bên trái.
Nguyên nhân của dị tật tai nhỏ là gì?
Cho đến nay nguyên nhân của dị tật tai nhỏ vẫn thực sự chưa được biết rõ, các yếu tố được cho là có vai trò quan trong gây dị tật tai nhỏ là yếu tố di truyền và môi trường. Việc sử dụng một số thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ Thalidomide, Accutane …cũng có liên quan đến dị tật tai nhỏ.
Các mức độ khác nhau của dị tật tai nhỏ?
Dị tật tai nhỏ có nhiều mức độ khác nhau, từ dị tật 1 phần vành tai đến dị tật toàn bộ vành tai, thậm chí không có tai, thường được đánh giá theo 4 mức độ. Ngoài ra còn kèm theo các bất thường về cấu trúc và chức năng của ống tai ngoài và tai giữa.
Hình 2: Các mức độ của dị tật tai nhỏ
Các phương pháp phẫu thuật tái tạo vành tai?
Vành tai có thể tái tạo bằng 2 cách: Dùng vật liệu nhân tạo hoặc dùng sụn tự thân.
- Dùng vật liệu nhân tạo: Sử dụng khung vành tai nhân tạo porous polyethylene (Medpor) bên ngoài bọc bởi vạt cân cơ thái dương và ghép da phủ lên trên. Ưu điểm là có thể thực hiện sớm, tránh được các hạn chế do việc lấy sụn sườn, giảm được số lần phẫu thuật. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là nguy cơ nhiễm trùng cao, có thể bị thải ghép, tỉ lệ hoại tử da ghép cao, chi phí cao…
Hình 3: Khung sụn vành tai được gọt đẻo từ sụn sườn
- Dùng sụn tự thân: Sử dụng sụn sườn tự thân để tạo thành khung sụn vành tai. Ưu điểm của phương pháp này là vật liệu sẵn có, phù hợp với cơ thể, ít nguy cơ nhiễm trùng. Nhược điểm là có thể gặp các biến chứng tại nơi cho sụn như tràn khí tràn máu màng phổi, sẹo xấu…
Hình 4: Khung sụn vành tai nhân tạo bằng Medpor
Lứa tuổi nào thì có thể tiến hành phẫu thuật tái tạo vành tai?
Lứa tuổi thích hợp để bắt đầu tái tạo vành tai là từ 6 - 8 tuổi, ở lứa tuổi này sụn vành tai đạt được kích thước khoãng 85 - 90% sụn vành tai trưởng thành và sụn sượn có kích thước đủ lớn để tái tạo vành tai.
Thời gian phẫu thuật và số lần phẫu thuật?
Tuỳ theo phương pháp mà thời gian cho mỗi lần phẫu thuật từ 2-3 giờ.
Số lần phẫu thuật cũng thay đổi tuỳ theo phương pháp, với phương pháp dùng vật liệu nhân tạo thông thường chỉ cần một lần phẫu thuật, với phương pháp dùng sụn sườn thì chúng tôi tiến hành tái tạo vành tai qua 2 lần mổ.
Thời gian nằm viện và quá trình phục hồi?
Thời gian nằm viện cho mỗi lần phẫu thuật khoãng 5 ngày, quá trình phục hồi mất khoãng 1 - 2 tuần.
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Bệnh nhân cần được khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình, Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bệnh nhân được tư vấn kỹ về tình trạng bệnh và cách thức điều trị, được tiến hành kiểm tra thính lực và cấu trúc tai ngoài, tai giữa nhằm đánh giá chính xác dị tật mắc phải. Ngoài ra bệnh nhân được làm các xét nghiệm thường qui để đánh giá tình trạng sức khoẻ trước mổ, chụp CTsan sọ mặt.
Bệnh nhân tránh dùng aspirin, một số thuốc chống viêm và thảo dược có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu.
Các biến chứng nào có thể gặp?
Cũng như tất cả các phẫu thuật khác, phẫu thuật tái tạo vành tai cũng có thể gặp các tai biến do gây mê và do phẫu thuật như: dị ứng thuốc, tụ máu, tụ dịch, nhiễm trùng, đào thải vật liệu, sẹo xấu…
Thạc Sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Văn Phùng
TRUNG TÂM THẨM MỸ - TẠO HÌNH - NHA KHOA THẾ GIỚI ĐẸP
0902 727 138 - 0939 691 999 - 0938 527 888
Fanpage: www.facebook.com/noisacdeptaisinh/